Giles Lever, UK Ambassador to Vietnam

Giles Lever

British Ambassador to Vietnam

27th May 2016 Hanoi, Vietnam

Sơn Đoòng – một viên ngọc quý của Việt Nam

Ambassadors to Vietnam enjoyed the trip to Son Doong
Ambassadors to Vietnam enjoyed the trip to Son Doong

Tuần trước tôi thật may mắn có được một trải nghiệm kỳ thú đó là cùng với một nhóm các Đại Sứ thực hiện chuyến đi khám phá một hang động lớn nhất thế giới, hang Sơn Đoòng thuộc Vườn Quốc gia Phong nha – Kẻ bàng của tỉnh Quảng Bình. (Mặc dù chuyến đi do chính phủ Việt Nam tổ chức, tôi muốn khẳng định với bạn đọc là tôi đã nghỉ phép để tham gia hành trình này và tự thanh toán cho các chi phí của chuyến đi.)

Sơn Đoòng được một nhóm chuyên gia về hang động của Anh khám phá lần đầu tiên trong thời gian từ năm 2008 đến 2009 sau khi họ được một người dân địa phương tên là Hồ Khanh giới thiệu cho họ. Anh là người đầu tiên tìm thấy cửa hang vào năm 1990 khi tránh bão trong một chuyến đi xuyên rừng tìm kiếm trầm hương. Nhưng phải 18 năm sau, anh mới có thể đi tìm cửa hang đó lại một lần nữa sau khi được những người bạn Anh mới thuyết phục. Cùng với câu chuyện giữa Hồ Chí Minh với Frank Loseby (tham khảo bài blog trước của tôi), đây là một trong những câu chuyện cổ tích mà tôi vô cùng thích thú về sự hợp tác giữa Anh Quốc và Việt Nam. Điều này cũng cho thấy là ở thế kỉ thứ 21, chúng tôi, những người dân Anh vẫn là những nhà thám hiếm và những nhà khám phá đẳng cấp quốc tế!

Son Doong Cave
bên trong hang Sơn Đoòng

Để có thể đến được Sơn Đoòng, bạn phải đi bộ trong rừng sâu, phải lội sông, rồi đi qua Hang Én tuyệt vời và rồi lại đi xuyên qua rừng một lần nữa trước khi bạn tụt xuống độ sâu 80 mét từ một mỏm đá dốc và trơn để có thể vào bên trong hang. Vậy nên, cũng chẳng dễ dàng gì hết – mặc dù những người hướng dẫn chuyên nghiệp đã giúp chúng tôi cảm thấy an toàn trong suốt chặng đường khám phá.

Nhưng những gì ở trước mắt chúng tôi thực sự là đáng để cho chúng tôi phải đổ mồ hôi, phải lội bùn và bị đỉa cắn cũng như chân bị dầm nước. Sơn Đoòng thực sự là tuyệt hảo, toàn cảnh trong hang như là những hiệu ứng đặc biệt trong điện ảnh, hay là những cảnh của một hành tinh khác. Hang cao gần 200 mét và rộng 175 mét – làm cho bạn cảm thấy mình thật bé nhỏ.

Ambassadors to Vietnam at Son Doong
Các vị Đại sứ tại Việt Nam chuẩn bị chuyến hành trình thú vị khám phá Sơn Đoòng

Khi bước ra khỏi hang, ngoài vẻ đẹp hoàn mỹ của Sơn Đoòng, chúng tôi ai cũng nghĩ đến những vấn đề quan trọng như làm thế nào để một đất nước như Việt Nam có thể cân đối được giữa sự phát triển nhanh chóng của nghành du lịch với việc bảo tồn di sản thiên nhiên.

Vấn đề hiện nay của Sơn Đoòng là đề nghị xây hệ thống cáp treo đến và vào tận trong hang. Như hiện nay thì rất ít người có thể sẽ đến được Sơn Đoòng. Để bảo vệ hang, mỗi năm chỉ khoảng 500 du khách được phép vào thăm hang và công ty tổ chức các chuyến thăm quan hang đang cố gắng hết sức để giảm thiểu tác động đến môi trường. Những người ủng hộ ý tưởng xây cáp treo cho rằng Sơn Đoòng là viên đá quý trên vương miện của Việt Nam và vì thế cần phải tạo điều kiện để càng nhiều người đến chiêm ngưỡng càng tốt chứ không chỉ dành cho một vài người có đặc ân (như tôi). Họ cho rằng việc có nhiều khách du lịch đến đây sẽ có lợi cho kinh tế địa phương và sẽ tạo ra nhiều việc làm. Quảng Bình không phải là một tỉnh giàu và vì vậy những lập luận này không thể dễ dàng bỏ qua.

Son Doong, Quang Binh province, Vietnam
Vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ của Sơn Đoòng

Những người phản đối viêc xây cáp treo thì cho rằng việc xây dựng cáp treo như thế sẽ phá hỏng địa tầng tự nhiên của hang động, và rằng cần phải ưu tiên bảo vệ những gì mà thiên nhiên đã kiến tạo hàng triệu năm qua. Họ cho rằng du lịch đã phát triển rất nhanh ở Phong Nha – Kẻ Bàng (một di sản thế giới đã được UNESCO công nhận), và rằng vườn quốc gia hiện đang có rất nhiều những hang đẹp và đã và đang thu hút được rất nhiều du khách. Vì vậy sẽ tốt hơn nếu để Sơn Đoòng, không bị phá hỏng, là một biểu tượng của vườn quốc gia – giống như cái cách mà đỉnh Everest vẫn thu hút hàng nghìn dân du lịch đến với dãy Himalayas của Nepal cho dù có rất ít người có thể leo được lên đến đỉnh đó. Họ nhận thấy nguy cơ có thể xảy ra nếu như hệ thống cáp treo được thực hiện, Quảng Bình và Phong Nha-Kẻ Bàng sẽ trở nên nổi tiếng trên thế giới không phải vì có một hàng động lớn nhất thế giới mà là vì nơi đây đã phá hủy hang động lớn nhất này.

Ambassadors to Vietnam enjoyed the trip to Son Doong
Các vị Đại sứ tại Việt Nam hào hứng chinh phục thử thách tại hang Sơn Đoòng

Rất nhiều nước cũng phải đối mặt với những tình thế tiến thoái lưỡng nan này, nhưng điều này đặc biệt nhậy cảm đối với Việt Nam. Một đất nước với rất nhiều danh lam thắng cảnh thiên nhiên, từ dãy núi của tỉnh Hà Giang đến những hòn đảo đá vôi ở Vịnh Hạ Long và rồi bờ biển dọc miền trung xinh đẹp. Du lịch trong nước và quốc tế đang phát triển chóng mặt. Số lượng du khách đến từ Anh Quốc đang tăng hàng năm. Việc vội vàng phát triển du lịch đã gây ra rất nhiều vấn đề về môi trường, ví dụ như tình trạng ô nhiễm ở Vịnh Hạ Long đang trở thành mối lo lớn. Đã có quá nhiều du khách nước ngoài họ chỉ đến Việt Nam một lần và sau đó không quay trở lại nữa.

Đương nhiên, quyết định có xây cáp treo hay không sẽ do chính phủ Việt Nam quyết định. Tôi chỉ mong rằng khi cân nhắc điều này chính phủ sẽ nhận thấy việc bảo tồn di sản thiên nhiên và phát triển du lịch không loại trừ nhau. Và có thể nên dành thời gian để nghiên cứu kinh nghiệm của Anh trong việc bảo tồn vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ của Khu vực Hồ (Lake District) hay của dãy núi Brecon Beasons ở miền nam xứ Wales. Vẻ đẹp thiên nhiên không bị tàn phá ở những nơi đây đã làm cho tôi và hàng triệu du khách khác giống như tôi, luôn mong muốn được quay trở lại.

Vậy bạn đứng về phía nào? Hãy chia sẻ với tôi những suy nghĩ của bạn.

2 comments on “Sơn Đoòng – một viên ngọc quý của Việt Nam

  1. Hãy bảo vệ Sơn Đoòng và nói không với cáp treo! Chính mắt tôi đã nhìn thấy cả một vạt rừng trúc rất đẹp và. cả một đỉnh núi gần sát với đỉnh Phan-xi-păng đã bị phá tan tành để xây hệ thống cáp treo khi tôi leo Phan Xi Păng vầo tháng 11/2014. Tưởng tượng một kỳ quan như Sơn Đoòng bị phá nát suốt dọc chiều dài hang theo đường cáp treo và nạn ô nhiễm do du khách đổ xô đến hang xả rác và chất thải sẽ là những lưỡi dao chắc chẵn giết chết Sơn Đoòng. Tổi rất thich câu nói đầy hình tượng của Đại sứ, thiên nhiên mất hàng triệu năm để tạo ra Sơn Đoòng nhưng Sun Group và các du khách thiếu ý thức chỉ mất 1-2 năm để phá hỏng Sơn Đoòng.

  2. Thưa ông Giles Lever,
    Tuy mới được gặp ông 3 lần ( 2 buổi làm việc ) và 1 lần đến dự lễ sinh nhật nữ hoàng ngày 9/6/2015.
    Hôm nay được đọc trang face book của ông tôi vô cùng cảm phục ông:một người đại sứ rất tuyệt vời !
    Tôi rất mong có sự góp ý của ông cho chính phủ Việt nam .
    Riêng cá nhân tôi đứng về phía : Nên chọn : “Bảo tồn Di sản Thiên nhiên” !

Comments are closed.

About Giles Lever

I’ve been ambassador to Vietnam since July 2014. It’s a great privilege to serve as ambassador anywhere, but I’m particularly delighted to be back working for British interests in a…

I’ve been ambassador to Vietnam since July 2014. It’s a great privilege to serve as ambassador anywhere, but I’m particularly delighted to be back working for British interests in a country and a region I know well.

My very first job in the FCO, in 1991, was in the Southeast Asia Department, and that was followed by a posting to Vietnam from 1993-97 – an exciting time, as the “doi moi” process of economic reform and opening up gathered pace.

East Asia has been a bit of a theme in my career, as I also worked at the British Embassy in Tokyo from 2002-2006 (preceded by two years learning Japanese). But I’ve also been fortunate enough to work on a lot of other interesting regions and issues, including on the Middle East and North Africa, international development, and arms control/security. Immediately before coming back to Hanoi, I was Deputy High Commissioner in Abuja, Nigeria.

Outside of work, when I have time, I like running, reading, exploring, and trying to stay in touch from afar with the fortunes of Bolton Wanderers FC. Many of my Vietnamese friends love Premier League football, and are invariably disappointed to hear that the team I support is not in the Premiership!

Follow Giles