Giles Lever, UK Ambassador to Vietnam

Giles Lever

British Ambassador to Vietnam

7th March 2015 Hanoi, Vietnam

Ngày Quốc tế Phụ nữ

Kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay, tôi hân hạnh được nhường chỗ cho hai khách mời đầu tiên của trang blog này: hai người phụ nữ Việt Nam năng động từ giới doanh nghiệp, viết về chủ đề “trao quền kinh tế cho nữ giới” qua những trải nghiệm cuộc sống của riêng họ. Chị Lê Len là Trưởng Đại Diện của ACCA –  Hiệp hội nghề nghiệp chuyên nghiệp dành cho các chuyên gia Kế Toán Tài Chính toàn cầu – tại Việt Nam; còn chị Nguyễn Hà là một doanh nhân, tu nghiệp thạc sỹ tại Anh Quốc.

Sống ở Việt Nam, tôi thực sự ấn tượng với tài năng và nội lực của người phụ nữ Việt Nam – trong đó có cả hầu hết nhân viên là nữ ở Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán Anh ở Việt Nam. Với tất cả sự trân trọng, tôi cho rằng Việt Nam đã làm rất tốt về vấn đề Giới: không hề có sự phân biệt nào trong các quyết sách của chính phủ hay quyền được tiếp cận giáo dục. Và phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong mọi mặt của cuộc sống. Nhưng phụ nữ vẫn chưa được giữ những vị trí cao nhất trong giới kinh doanh và chính trị. Đây không phải vấn đề của riêng Việt Nam mà ở nước Anh và nhiều nước khác cũng đang nỗ lực giải quyết vấn đề này. Vì thể, dù bạn là người Anh, người Việt hay bất cứ quốc tịch nào, tôi hy vọng các bạn sẽ tìm thấy trong câu chuyện của chị Len, chị Hà nguồn cảm hứng và suy nghĩ, giống như tôi.

——————————————————————

Được sinh ra làm phụ nữ – đó đã là điều đặc biệt!

Lê Thị Hồng Len, Trưởng Đại diện ACCA Việt Nam.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 5 chị em gái, làm việc trong một môi trường toàn nữ giới và phục vụ cho đối tượng hội viên, học viên với tỉ lệ nữ giới chiếm đến hơn 70%, đối với tôi mà nói, thế giới phụ nữ quanh tôi luôn vô cùng sinh động và thú vị.

Chị Lê Thị Hồng Len
Chị Lê Thị Hồng Len

Trong nhiều cuộc thảo luận với đồng nghiệp ở các nước, họ luôn lấy làm ngạc nhiên về sự ham học hỏi, và nỗ lực của phụ nữ Việt Nam. Nếu đến thời điểm tháng 12 năm 2014, hội viên ACCA trên toàn thế giới có tỉ lệ Nam:Nữ là 55%:45% thì tại Việt Nam, tỉ lệ này là 29%:71% và tỉ lệ hội viên nữ có xu hướng tăng dần qua từng năm. Điều gì đã làm nên sự khác biệt rất lớn này luôn là đề tài thú vị cho cuộc trò chuyện của chúng tôi. Có phải vì quan điểm của nhiều người Việt là ngành Kế Toán Kiểm Toán là công việc phù hợp cho nữ giới? hay vì áp lực phải vươn lên, phải tồn tại, phải cạnh tranh trong một xã hội mà ưu thế phần nhiều nghiêng về nam giới đã khiến rất nhiều bạn nữ nỗ lực không ngừng nghỉ, ngoài công việc bận rộn như bất cứ người đàn ông nào, ngoài gia đình phải chăm sóc, vẫn có thể theo học và đạt được chứng chỉ nghề nghiệp đầy thử thách và tự hào như chứng chỉ ACCA? Câu trả lời có lẽ là tất cả lý do trên, và không ngạc nhiên chút nào khi ngày càng có nhiều hơn những gương mặt nữ giới, xinh đẹp, sắc sảo, thông minh… được bổ nhiệm vào những vị trí quan trọng nhất nhì trong các tổ chức.

Tôi luôn bị ấn tượng và được truyền cảm hứng từ những người phụ nữ – những người Chị, người Bạn, người Em xung quanh tôi. Đôi lúc, ngắm nhìn và trò chuyện với họ, tôi không ngừng tự hỏi làm sao những con người này có thể tàm tốt rất nhiều vai trò khác nhau trong cuộc sống. Tôi vừa mới gặp họ trong vai trò một vị Chủ tịch, tổng giám đốc hay giám đốc tài chính với đầu óc và lập luận sắc bén không thua gì cánh mày râu, thoắt cái đã thấy ánh mắt họ dịu lại, nét mặt họ rạng rỡ khi chúng tôi kể cho nhau về các khía cạnh trong cuộc sống, về những đứa con… những đứa con luôn là đề tài hạnh phúc bất tận của các bà mẹ đi làm – working mum. Tôi biết một người Chị (bạn) lớn mà kiến thức trong lĩnh vực chuyên môn của chị thì không ai qua được chị, nhưng khi là người phụ nữ của đời thường, chị làm thơ rất hay, và nấu ăn rất ngon. Lại có người chị khác, xử lý vấn đề quyết đoán và mạnh mẽ hơn bất kỳ người đàn ông nào tôi gặp, nhưng lại phục sức rất thời trang, và nhẹ nhàng khéo léo đến mức đối tác của chị rất vui vẻ chấp nhận “phần thua” mà ngỡ như đang dành phần thắng. Sếp trực tiếp của tôi cũng là một người phụ nữ, vô cùng thông minh và duyên dáng!

Có người bảo rằng không ở đâu đàn ông sướng như ở Việt Nam (và có lẽ cả một số nước châu Á), khi nhìn vào các quán xá luôn đông nghịt quý ông khề khà bên chai bia sau giờ làm việc, trong khi các bà vợ của họ tất bật với cơm nước và con cái, việc nhà. Sự kỳ vọng của gia đình và xã hội đối với vai trò của phụ nữ có lẽ chỉ có tăng – không có giảm. Nếu như ở thời ông bà thì là “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, thì ngày nay, phụ nữ được kỳ vọng cũng phải chung tay “xây nhà”, nhưng đồng thời việc “xây tổ ấm” dường như cũng vẫn là nhiệm vụ riêng của họ. Nếu người đàn ông làm việc vất vả đi sớm về khuya, thì vợ con anh ta được trông đợi sẽ tỏ ra cảm kích vì sự nỗ lực cho sự nghiệp của họ, ngược lại, nếu một người phụ nữ làm việc vất vả, họ có thể sẽ bị chỉ trích là ham mê công việc và bỏ bê không chăm sóc gia đình. Cùng một thanh quả như nhau, thì người phụ nữ có thể phải nỗ lực gấp đôi gấp ba người đàn ông, cũng chính vì những quan niệm như thế này.

Vậy đàn ông ở Việt Nam có bị áp lực nào không? Tôi nghĩ là có, nhiều nữa là khác. Họ bị áp lực bởi xã hội hoặc áp lực do họ tự nghĩ ra, mặc định họ là “phái mạnh” , khiến họ phải luôn cố gắng chứng tỏ năng lực bản thân, luôn cố gắng tỏ ra mạnh mẽ. Còn là phụ nữ, chúng tôi có thể khóc khi buồn, cười khi vui, có thể mạnh mẽ khi cần mà vẫn được quyền yếu đuối. Chúng tôi được là chính mình.
Vậy nên nếu có ai đó hỏi tôi có muốn đổi phận làm trai không, thì câu trả lời vẫn luôn là không. Tôi hạnh phúc vì mình được làm phụ nữ, và tôi không bao giờ đánh đổi bất cứ thứ gì trên đời này lấy tiếng gọi “Mẹ ơi” đầy yêu thương của 2 con gái mình. Với tôi, phụ nữ có rất nhiều lợi thế. Chúng tôi có thể không có sức mạnh cơ bắp như quý ông, nhưng chúng tôi có sự kiên định, có tư duy, có lòng quyết tâm. Chúng tôi có sức mạnh của nụ cười và sự linh hoạt, nhạy bén. Có câu nói vui là nếu lãnh đạo các quốc gia toàn là phụ nữ, thì thế giới sẽ không có chiến tranh, và cũng sẽ không có tham nhũng. Vì là phụ nữ, nên chúng tôi luôn tìm hướng giải quyết vấn đề trên cơ sở hai bên cùng có lợi, và chúng tôi không bao giờ muốn dung sức mạnh “cơ bắp” – là những thứ chúng tôi không có thế mạnh.

Trong một cuộc hội thảo về vai trò của nữ giới trong lãnh đạo, có người đặt câu hỏi rằng có phải phụ nữ thanh công với sự nghiệp thường không có hạnh phúc hay không, và câu trả lời của một diễn giả là nữ lãnh đạo của một tập đoàn truyền thông lớn cũng là điều tôi tâm đắc “thành công và hạnh phúc không loại trừ lẫn nhau, hạnh phúc là do tự thân mỗi chúng ta, nếu chúng ta muốn hạnh phúc thì hãy đừng trông chờ người khác mang lại hạnh phúc cho mình’. Tôi là người dễ hạnh phúc. Tôi có thể thấy mình rất hạnh phúc khi sáng sớm mở cửa sổ đón nhận một làn gió mát tươi mới báo hiệu một ngày rất đẹp, tôi có thể hạnh phúc vì một bình hoa, một cuốn sách, một bản nhạc hay thậm chí một món ăn ngon, một nụ cười rộn ràng của con trẻ.

Với tôi, ngày 8/3 cũng không đặc biệt hơn những ngày khác trong năm. Được sinh ra làm phụ nữ – đó đã là điều đặc biệt!

————————————————————————–

“Các chị mạnh mẽ, và các chị có thể làm được”!

Nguyễn Thu Hà, Doanh nhân.

Một ngày đẹp trời cuối năm Giáp Ngọ, tôi nhận được một cuộc điện thoại từ Đại sứ quán Anh mời viết bài về chủ đề Trao quyền cho phụ nữ trong kinh tế (Women’s economic empowerment) với lý do họ thấy tôi là một phụ nữ trẻ, năng động, nhiều ý tưởng và hơn hết đã “từ bỏ” công việc trong khối doanh nghiệp thường có thu nhập cao và ổn định để thử sức trong lĩnh vực kinh doanh, điều mà nhiều người muốn nhưng chưa đủ can đảm để theo đuổi.

Tôi không nghĩ mình là đại diện tiêu biểu cho trí tuệ trẻ Việt Nam, tôi nhận lời đơn giản để chia sẻ suy nghĩ của thế hệ chúng tôi, đặc biệt là nữ giới về tư duy dám nghĩ, dám làm, không ngại đương đầu với thử thách mới để có thêm trải nghiệm cho bản thân.

Chị Nguyễn Thu Hà
Chị Nguyễn Thu Hà

Tôi may mắn hơn nhiều bạn là đã theo đuổi được đam mê của mình, một điều tôi biết không hề dễ dàng. Còn nhớ khi tôi học cấp 1, cấp 2, ước mơ nghề nghiệp của phần nhiều các bạn nữ đồng tuổi cũng như phụ huynh của họ là được học ngành sư phạm và sau khi ra trường trở thành giáo viên bởi khi đó nghề giáo viên là chuẩn mực cao quý của xã hội áp cho nữ giới. Gia đình nào có con gái, vợ, mẹ … làm giáo viên đều cảm thấy rất tự hào. Đến những năm tôi học cấp 3, kinh tế Việt Nam bắt đầu mở cửa, các doanh nghiệp nước ngoài tràn vào thị trường nội địa, các cơ quan Nhà nước đánh mất vị trí độc tôn, công cuộc mưu sinh trở nên khó khăn và kém ổn định hơn trước. Thời thế sinh “anh hùng”, nhiều anh chị học giỏi, ngoại ngữ tốt được nhìn nhận và trọng dụng tại các tổ chức nước ngoài với mức lương “ngất ngưởng”, đặc biệt là khi so sánh với mức thu nhập ở các đơn vị trong nước. Vô hình chung, một số ví dụ điển hình đã được đẩy lên tạo thành xu hướng mới trong xã hội bấy giờ, nhiều gia đình dần xa rời ước mơ sư phạm và đẩy con họ thi vào các trường đại học kinh tế – không mảy may cân nhắc ước mơ, hoài bão, sở trường của con cái mình là gì – với hy vọng sau này ra trường “dễ xin việc”.

Một cô bạn thân của tôi khi đó đã xuất sắc thi đỗ cả 2 trường đại học thuộc loại khó là Ngoại Thương và Mỹ thuật Công Nghiệp, ngành Thiết kế Thời trang. Để “vui lòng” cho cả nhà và cũng do không giải mã và chắc chắn được tương lai của chính bản thân vì thiếu thông tin định hướng nghề nghiệp, cô đã phải từ bỏ đam mê thiết kế thời trang để mông lung theo học trường Ngoại thương cũng với suy nghĩ tương tự bố mẹ mình là tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế ra trường sẽ dễ xin việc và khả năng có thu nhập tốt sẽ cao hơn, quên đi đam mê và tiềm năng ẩn sâu bên trong của mình. Sáu năm kể từ ngày bước chân vào giảng đường đại học Ngoại thương, cô ấy đã từ bỏ tất cả để học lại từ đầu và trở thành nhà thiết kế thời trang. Tôi khâm phục bạn mình nhưng cũng tiếc cho khoảng thời gian đã bị bỏ lỡ chỉ để đuổi theo những ước mơ không phải của cô ấy.

Đối với các bạn nữ, đỗ đại học là một niềm vui nhưng cũng mang đến nhiều áp lực mới. Phần lớn các bậc phụ huynh đều thở phào nhẹ nhõm kèm với sự phấn khởi và tự hào khi có con cái đỗ đại học. Khi đó mối bận tâm của họ không phải là con học thế nào, có tìm tòi, học hỏi gì hữu ích cho tương lai sau này không? Thay vào đó, họ lo lắng là con gái mình đã có anh nào dòm ngó chưa, khi nào sẽ có người yêu? Sẽ không đếm xuể các trường hợp nữ sinh viên phải chịu sự thúc giục và áp lực từ gia đình và thậm chí cả xã hội để tìm được anh nào đó đón đón, đưa đưa và tặng hoa mỗi dịp lễ đến. Tôi cũng từng bị ám ảnh mỗi lần bước ra đường vì chỉ cần ló mặt khỏi cửa sẽ “được” các bác hàng xóm, các cụ bán nước vỉa hè xung quanh lo lắng hộ, hỏi han “khi nào thì có người yêu?”, “khi nào thì lấy chồng?”, hay khuyên bảo “con gái không cần học nhiều quá cháu ạ” … Sức ép này lên tới đỉnh điểm sau khi tôi tốt nghiệp bằng thạc sỹ Quản trị Kinh Doanh ở Vương Quốc Anh, thay vì về Hà Nội đoàn tụ cùng gia đình tôi đã quyết định vào Nam. Lý do công việc cũng chỉ là một phần, tôi sợ cảm giác được người ngoài lo lắng, tính toán cho bản thân mình. Tôi muốn được độc lập, tự chủ quyết định cuộc sống và định hướng cuộc đời mình.

Đối với tôi, thời gian học tập tại nước ngoài đã mang đến những trải nghiệm tuyệt vời để học hỏi, khám phá, và làm cuộc sống bản thân mình phong phú hơn. Tôi biết du học nước ngoài là ước mơ của hầu hết bạn trẻ Việt Nam, nhưng không phải ai cũng có đủ ý chí, nghị lực, hay tự tin để theo đuổi ước mơ đó. Các bạn có rất nhiều lý do để ngần ngại và chần chừ, nào là không có khả năng tài chính, học không giỏi, kém ngoại ngữ, học cao liệu sau về có thích ứng được môi trường làm việc ở Việt Nam không. Đặc biệt, con gái lại còn chịu một áp lực vô hình là nếu học cao, nhiều chữ liệu sau này về có anh nào dám lấy làm vợ?

Tuy nhiên, lý do vẫn chỉ là lý do. Trên thực tế mọi thắc mắc và lo lắng của bạn đều sẽ có câu trả lời và cách giải quyết. Đối với tôi, học cao, học rộng không chỉ giúp nâng cao kiến thức, mở rộng nhãn quan, nâng tầm tư duy … mà còn giúp con người sống hài hoà, đồng cảm, vị tha với thế giới xung quanh. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, lợi ích sâu sắc nhất của việc học rộng đối với nữ giới chính là cách ứng xử văn minh trong gia đình, định hướng phát triển và giáo dục hài hoà cho con cái – những hạt nhân tương lai của xã hội.

Mô hình về người phụ nữ lý tưởng với đức tính đảm đang, hy sinh, chịu đựng cũng đang được tranh cãi ngày một nhiều hơn về tính hợp thời. Việc giáo dục và chăm sóc con cái có nên là nghĩa vụ “mặc định” của người phụ nữ trong gia đình? Có phải chức năng của người mẹ là “trời phú” và người chồng có cố gắng cũng không làm tốt bằng?Tôi không nghĩ vậy. Trách nhiệm với gia đình nên được chia sẻ và phân công giữa tất cả các thành viên trong gia đình, bố và mẹ đều có trách nhiệm tương đương trong việc giáo dục con cái và chăm sóc gia đình. Tôi thấy thương cho nhiều người đồng nghiệp của tôi vì họ bị chồng, bố mẹ chồng và cả bố mẹ ruột trách móc, đổ lỗi vì không dành đủ thời gian cho con cái và gia đình mỗi khi họ đi làm về muộn lúc 7 giờ tối. Một mặt những người thân hạnh phúc và tự hào ra mặt khi người vợ, người mẹ, người con có những thăng tiến về công việc, thậm chí nhiều nữ trí thức đã trở thành người có thu nhập chính của gia đình, mặc khác họ vẫn đòi hỏi người phụ nữ đó phải cam kết không điều kiện dành đủ thời gian cho gia đình và con cái.

Nhiều tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Lao động Quốc tế, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc… đã có những hoạt động “Trao quyền cho nữ giới” nhằm thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong xã hội Việt Nam. Nhưng theo tôi, hơn hết, người phụ nữ không nên thụ động ngồi đợi để mọi thứ tự thay đổi hoặc ai đó tác động để mọi việc tốt lên. Trước khi được người khác “trao quyền” các bạn cần giành lấy quyền cho mình: cần học tập và trau dồi tri thức; cần tự tìm hướng đi cho mình. Quan trọng hơn cả, đừng chạy theo những kỳ vọng của xã hội nhưng cũng đừng tự gò ép mình theo những khuôn mẫu định sẵn, chỉ cần là chính bạn, thế là đủ.

Xin mượn một câu nói nổi tiếng của nữ ca sỹ Beyonce mà tôi rất tâm đắc để kết thúc bài viết của mình. “Tôi chưa từng gặp người phụ nữ nào không mạnh mẽ, nhưng đôi khi họ không để sức mạnh của mình thể hiện ra. Một khi bi kịch xảy đến, họ lại bất ngờ tìm thấy sức mạnh của mình. Nhắn gửi của tôi là hãy để sức mạnh của bạn được bộc lộ ra trước khi điều không hay xảy tới” Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ, chúc các chị em chúng ta mãi trẻ đẹp cả về thể chất và tinh thần. Các chị mạnh mẽ lắm. Các chị sẽ làm được. Các chị sẽ thành công: về sự nghiệp và về gia đình.

———————————–

Thông tin thêm

Chi Lê Thị Hồng Len hiện là Trưởng Đại Diện của ACCA – Hiệp hội nghề nghiệp chuyên nghiệp dành cho các chuyên gia Kế Toán Tài Chính toàn cầu – tại Việt Nam. Với vị trí của mình, chị Len chịu trách nhiệm về sự phát triển bền vững của ACCA tại thị trường Việt Nam. Chị có đam mê trong việc phát triển ngành kế toán tài chính tại Việt Nam và có kinh nghiệm quản trị nhiều năm tại các công ty đa quốc gia trước khi làm việc tại ACCA. Chị là mẹ của 2 con gái.

Chị Nguyễn Hà có bằng thạc sỹ tại Anh Quốc với học bổng toàn phần từ Thị trưởng khu tài chính London. Chị đã có 8 năm kinh nghiệm trong ngành tài chính ngân hàng, nắm giữ nhiều vị trí quản lý tại Ngân hàng Thương mại và Bán lẻ HSBC và ANZ Việt Nam.
Chị Hà hiện là cổ đông sáng lập Công ty Third Eye Management Solution, chuyên về dịch vụ tìm kiếm nhân sự cấp cao ở Việt Nam, Thái Lan và Myanmar.Ngoài ra, chị Hà cũng là nhà đồng sáng lập và quản lý của Công ty Đào Tạo Crayon, chuyên về Đào tạo Quản lý và Kỹ năng mềm, và Sweety Lovey, thương hiệu thời trang trẻ em cao cấp đóng tại Singapore.

2 comments on “Ngày Quốc tế Phụ nữ

Comments are closed.

About Giles Lever

I’ve been ambassador to Vietnam since July 2014. It’s a great privilege to serve as ambassador anywhere, but I’m particularly delighted to be back working for British interests in a…

I’ve been ambassador to Vietnam since July 2014. It’s a great privilege to serve as ambassador anywhere, but I’m particularly delighted to be back working for British interests in a country and a region I know well.

My very first job in the FCO, in 1991, was in the Southeast Asia Department, and that was followed by a posting to Vietnam from 1993-97 – an exciting time, as the “doi moi” process of economic reform and opening up gathered pace.

East Asia has been a bit of a theme in my career, as I also worked at the British Embassy in Tokyo from 2002-2006 (preceded by two years learning Japanese). But I’ve also been fortunate enough to work on a lot of other interesting regions and issues, including on the Middle East and North Africa, international development, and arms control/security. Immediately before coming back to Hanoi, I was Deputy High Commissioner in Abuja, Nigeria.

Outside of work, when I have time, I like running, reading, exploring, and trying to stay in touch from afar with the fortunes of Bolton Wanderers FC. Many of my Vietnamese friends love Premier League football, and are invariably disappointed to hear that the team I support is not in the Premiership!

Follow Giles